Khám phá 5 khu vực của đỉnh LangBiang Đà Lạt

Đến thành phố ngàn hoa Đà Lạt, không thể không ghé thăm đỉnh Langbiang – nơi từng được mệnh danh là thủ phủ của tình yêu xứ thông reo, nằm ở huyện Lạc Dương, cách  Đà Lạt khoảng 12km.

Để đến chinh phục được đỉnh Langbiang, bạn phải đi bằng xe jeep với giá 25.000đ, sau khi băng qua những con đường dài ngoằn uốn lượn tuyệt đẹp. Xe sẽ chở bạn chạy qua những khu vườn trồng toàn rau xanh mướt một màu, bên cạnh là những đồi núi thoai thoải rợp mát dưới những bóng thông xanh reo vi vu.

Lang Biang chia làm 5 khu vực du lịch khác nhau:

Khu vực thứ nhất là khu đón tiếp. Đến đây, khách du lịch được tiếp đón và hướng dẫn cẩn trọng, tỷ mỉ về hành trình chuyến thăm quan như thế nào cho hiệu quả, đồng thời cung cấp các dịch vụ leo núi nếu du khách có nhu cầu.

Giữa bạt ngàn rừng thông, du khách có thể còn gặp một số loại cây thuốc quý như đại bi, nam sâm, ngưu tất nam, bổ cốt toái, hoàng liên ô rô… Hay chắc chắn được thưởng ngoạn lan rừng, bởi ở đây có hơn 300 loài lan như thanh lan, hoàng lan, hồng lan, vân hài, bạch phượng, tuyết ngọc, mắt trúc, bạch nhạn, lan sứa, lá gấm…; cùng nhiều loài chim quý hiếm chỉ có ở Lang Biang như Yersingist, Langbiangist; hay các loài thú quý như nai xám, nai cà tong, hươu vàng, sóc bay, sóc vằn, gấu chó, chồn dơi, khỉ, vượn đen, trĩ sao, gà lôi hông tía…

Xem thêm: Hành trình leo đỉnh LangBiang

Khu vực thứ hai là Thung lũng trăm năm. Nơi đây được thiết kế thành một khu du lịch nghỉ dưỡng đầy đủ tiện nghi với các dãy nhà sàn, sân tennis, nhà hàng đặc sản, sân lửa trại, nơi biểu diễn cồng chiêng. Hầu như du khách đến với Đà Lạt đều không thể bỏ qua Lang Biang và càng không thể không đến Thung Lũng trăm năm. Mỗi năm, có tới hàng ngàn lượt du khách đến đây thưởng ngoạn không gian văn hóa cồng chiêng, xem những người phụ nữ dệt thổ cẩm, những người đàn ông đánh đồng la, thổi khèn bầu, tù và, sử dụng các nhạc cụ bằng lồ ô, tre, gỗ… Đặc biệt, vừa thưởng ngoạn các tiết mục biểu diễn vừa nhâm nhi rượu cần và thịt nướng thì chẳng gì bằng.

LangBiang Đà Lạt
LangBiang Đà Lạt

Khu vực thứ ba là bãi Mimosa, nằm cách khu vực đón tiếp khoảng 1,5 km. Đến khu vực này, du khách được đi trên chiếc cầu treo của người dân tộc, cảm nhận được cái cảm giác “như thực như mơ” trên cao nguyên. Nhà hàng ở đây được thiết kế theo kiểu dáng nhà sàn của đồng bào dân tộc bản địa. Nếu rảnh rang ngồi đây vừa nhâm nhi các món thịt nướng vừa tìm hiểu cuộc sống buôn làng của người Cill, người Lạch mới thấy hết được những nét đặc sắc của giá trị văn hóa bản địa.

Thứ tư là đồi Dankia. Với độ cao 1.950 m so với mực nước biển, từ đây, du khách cũng có thể ngắm trọn vẹn TP.Ðà Lạt mộng mơ hiện ra như một bức tranh thủy mặc. Phía tây là hồ Dankia – Suối Vàng trông như một tấm lụa đào khổng lồ nổi bật giữa màu xanh bạt ngàn của núi đồi. Khung cảnh đồi Dankia thích hợp để khách du lịch tổ chức cắm trại qua đêm, ngắm nhìn TP.Đà Lạt sáng lung linh trong ánh đèn đêm.

Cuối cùng là đỉnh Lang Biang cao 2.167m. Trên đỉnh núi có hình tượng đôi tình nhân đang bay lượn như kể lại câu chuyện tình yêu tạo nên truyền thuyết Lang Biang. Đó là mối tình say đắm của nàng Lang – người dân tộc Cill và chàng Biang – người dân tộc Lạch. Họ yêu nhau, nhưng do tập tục khắt khe của hai tộc người nên nàng Lang không bắt được Biang làm chồng. Họ nguyện bảo vệ tình yêu, mãi mãi không chia lìa bằng cách chết bên nhau. Ngưỡng mộ và thương cảm trước tình yêu chung thủy và say đắm của đôi trai gái này, các loài chim, thú, cây, cỏ đã bảo nhau xây đắp dần thành hai nấm mộ cho nàng Lang và chàng Biang. Lâu dần thành ngọn núi với hai đỉnh vượt cao vững chãi giữa trời xanh gọi là Lang Biang – nơi mà bất cứ du khách nào đến Đà Lạt cũng mong được một lần chinh phục.

Khám phá thêm tác phẩm chim Khổng Tước Vương kỷ lục ở Đà Lạt tại: http://dulichdalat360.com/thang-canh-da-lat/tac-pham-nghe-thuat-chim-khong-tuoc-vuong-o-da-lat/